Phục vụ Lưu Bị và nhà Thục Hán Mã Siêu

Vây Thành Đô, Lưu Chương đầu hàng

Mã Siêu bỏ vợ con chạy theo lối Vũ Đô, qua nơi ở của rợ Đê để vào đất Thục, đến ngoại thành Thành Đô nơi Lưu Bị đang đóng quân. Ông cũng dẫn quân đội của mình đến Thành Đô để trợ chiến.[27]

Sử sách chép lại, Lưu Bị đang vây đánh Thành Đô khi nghe tin Mã Siêu đến đầu quân, cười lớn và nói rằng:[2] "Ta tất lấy được Ích châu vậy!".

Tam quốc diễn nghĩa hưu cấu ra chuyện Mã Siêu đại chiến Trương Phi bất phân thắng bại, sau đó Gia Cát Lượng dùng kế dụ Mã Siêu về với Lưu Bị.

Khi Mã Siêu đến nơi, Lưu Bị sai người nghênh đón Mã Siêu trọng thể, đồng thời ông ta cũng sai người lên kế hoạch phối hợp, hỗ trợ cho Mã Siêu tiến đánh Thành Đô. Theo kế hoạch này, Mã Siêu không vội tiến binh đến thẳng Thành Đô mà đóng đối diện để phô trương thanh thế và uy hiếp trực tiếp Thành Đô, đồng thời Lưu Bị cũng bí mật điều binh mã của mình giao cho Mã Siêu thống lĩnh để tăng cường lực lượng.[2]

Lưu Chương thấy Mã Siêu đến đóng quân ở phía Bắc Thành Đô, trực tiếp uy hiếp thủ phủ của Ích châu khiên nhân dân vùng Ích châu rúng động, thì lập tức đầu hàng vô điều kiện.[27] Sử sách ghi chép lại: Siêu đến nơi, hạ lệnh đóng quân ở phía bắc Thành Đô, Siêu đến chưa đầy một tuần[28] mà lòng người ở Thành Đô tan lở cả… Siêu tiến binh thẳng đến dưới chân thành. Người trong thành hoang mang sợ hãi, Chương lập tức ra hàng.[2]

Tam Quốc chí chép chi tiết về sự kiện lãnh chúa Lưu Chương quyết định đầu hàng Mã Siêu:[29] Năm thứ mười chín, tiến vây Thành Đô mấy chục ngày, trong thành còn ba vạn tinh binh, lương thực vải vóc chi dùng đủ một năm, quan dân đều muốn tử chiến. Chương nói:

Cha con ta ở Ích châu hơn hai mươi năm, không có ân đức gì với bách tính. Ba năm nay bách tính chinh chiến triền miên, xương thịt phơi đầy đồng, ấy là vì Chương vậy, sao ta có thể an lòng đây!

Bèn mở cửa thành ra hàng, quần thần chẳng ai không sa nước mắt.

Được ban chức tước

Lưu Bị theo đó vào tiếp quản Thành Đô, tiếp nhận địa vị của Lưu Chương đồng thời tiếp quản Ích châu bước đầu xây dựng cơ nghiệp của nhà Thục Hán. Đồng thời ông cũng phong chức tước cho các bề tôi đã chung sức xây dựng cơ nghiệp.

Tam Quốc chí chép:[30] Tiên Chủ (Tức Lưu Bị)lại lĩnh chức Ích Châu mục, Gia Cát Lượng làm bầy tôi tay chân, Pháp Chính làm mưu sĩ, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu làm nanh vuốt, Hứa Tĩnh, My Trúc, Giản Ung làm Tân hữu … đều được dùng tin dùng ở vị trí xứng đáng, tận dụng hết được tài năng. Những kẻ sĩ có chí, chẳng ai không tranh đua cố gắng. Qua đó có thể thấy Mã Siêu được trọng dụng ngang với Quan Vũ và Trương Phi khi ở dưới trướng của Lưu Bị.

Không những vậy, vì Mã Siêu đã lập công đầu trong việc đánh chiếm Thành Đô, đồng thời Lưu Bị biết rõ danh tiếng và võ nghệ của Mã Siêu, nên đặc cách phá lệ phong ông làm Bình Tây tướng quân.[31] Tam Quốc chí chép: "Tiên chủ lấy Siêu làm Bình Tây tướng quân, đốc xuất Lâm Thư, nhận tước Đô đình hầu.[32]

Mâu thuẫn với Quan Vũ

Việc Lưu Bị hậu đãi Mã Siêu khiến cho một số tướng tá bất bình. Quan Vũ lúc này đang ở Kinh Châu nghe tin Mã Siêu theo hàng, vì trước đây không quen biết Mã Siêu nên đã tỏ ra bất bình và viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi rằng "Siêu là bậc nhân tài nào, có thể so được với ai".

Gia Cát Lượng biết rõ Quan Vũ bề ngoài đòi so tài với Mã Siêu nhưng thực tế thể hiện sự bất mãn việc Mã Siêu vừa mới tới nhưng đã được trọng dụng. Để bảo đảm đoàn kết nội bộ, động viên Quan Vũ an tâm trấn thủ Kinh Châu, ông đã viết một bức thư phúc đáp với nội dung không hạ thấp Mã Siêu nhưng lại ca ngợi Quan Vũ.[33]

Trong thư có đoạn:[34]

Mạnh Khởi kiêm tài văn võ, hùng liệt hơn người, là hào kiệt một đời, ví như Kình, Bành,[35] xứng đáng tranh tài cao thấp với Dực Đức,[36] chẳng thể so sánh được với ông râu dài tuyệt luân siêu quần vậy".


Quan Vũ xem xong thư vô cùng đắc ý, đưa thư này cho tân khách cùng xem.[33][34][37] Việc tấn phong cho Mã Siêu xem như tạm ổn.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, tình tiết này được diễn tả hoàn toàn giống sử sách, chỉ có khác biệt nhỏ là Quan Vũ sai Quan Bình đến Thành Đô bẩm lại với Lưu Bị rằng ông nghe danh Mã Mạnh Khởi võ nghệ tuyệt luân nên muốn vào Xuyên để đọ sức cao thấp.

Nhìn chung, Mã Siêu luôn được Lưu Bị ưu ái, phong tặng nhiều chức tước và danh hiệu, chính vì vậy không tránh khỏi một số quần thần bất bình, mặt khác có một số thư tịch cổ đã ghi nhận rằng trong thời gian đầu khi về với Lưu Bị thì Mã Siêu có phần tỏ thái độ chưa được kính trọng Lưu Bị, điều đó làm các thuộc hạ của Lưu Bị bất bình và phản ứng dữ dội.

Tam Quốc chí trích dẫn ghi chép của Sơn dương công tái ký cho biết:

"Siêu nhân thấy Bị hậu đãi mình, khi nói chuyện với Bị, thường gọi tên tự của Bị, Quan Vũ nổi giận, đòi giết. Bị nói: "Người ta cùng quẫn mới theo về với ta, các khanh phẫn nộ vì việc người ấy gọi tên tự của ta mà đòi giết đi, sao yên được lòng người thiên hạ đây!" Trương Phi nói: "Như thế, cần phải làm cho hắn giữ lễ mới được."

Hôm sau đại hội, mời Siêu vào, Vũ, Phi đều chống gậy cầm đao kính cẩn đứng hầu, Siêu tìm chỗ để ngồi, chẳng để ý gì đến Phi, Vũ, chợt thấy hai người nghiêm trang đứng đó, Siêu thất kinh, nhân vì thế chẳng dám gọi tên tự của Bị lần nào nữa. Hôm sau than rằng: "Ta nay mới biết mình kém cỏi vậy. Gọi hẳn tên tự của chủ nhân ra, khiến cho Quan Vũ, Trương Phi đòi giết ta." Từ đấy về sau rất lấy làm tôn kính Bị."

Sử gia Bùi Tùng Chi đã kịch liệt bác bỏ những ghi chép trên bằng những lập luận phản bác rằng:

"Bởi Siêu thế cùng mới theo về với Bị, chịu nhận tước vị, sao dám ngạo mạn mà gọi thẳng tên tự của Bị ra? Vả lại khi Bị vào Thục, lưu Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, Vũ chưa từng tới đất Ích Châu. Việc Vũ nghe tin Mã Siêu quy hàng, đã gửi thư hỏi Gia Cát Lượng rằng: "Siêu là nhân tài thế nào mà được đứng vào hạng ấy", chẳng đúng như việc chép ở chỗ này. Sao Vũ lại cùng với Phi cung kính đứng hầu được? Phàm là người khi hành sự, đều biết việc gì nên làm, việc gì không nên, tất chẳng dám làm vậy. Siêu nếu quả có gọi tên tự của Bị, tất được nhắc phải sửa ngay. Cứ cho là Vũ đòi giết Siêu, Siêu vẫn chẳng hay, nhưng chỉ thấy hai người đứng hầu ở đó, sao lại biết vì việc mình gọi tên tự của Bị, khiến cho Quan, Trương muốn giết?".

Tuy vậy, cũng cần thấy rằng với cá tính của Mã Siêu, uy danh, gia thế vốn có và những chiến công hiển hách thì Mã Siêu có thể có những thái độ kiêu ngạo nhất định như ghi chép của sử sách. Mặt khác, việc Mã Siêu được trọng dụng và cất nhắc liên tục đã khiến cho nhiều tướng tá, quan lại dưới trướng của Lưu Bị bất mãn là hoàn toàn có cơ sở.

Chính việc các quần thần bất mãn và luôn dõi theo ông cũng góp phần làm cho ông dù nắm binh quyền và có dã tâm nhưng cũng luôn phải dè chừng sự đối trọng, theo dõi và luôn khước từ những đề nghị đảo chính mà luôn trung thành với Lưu Bị.

Hại chết Bành Dạng

Tam Quốc Chí có chép lại câu chuyện Mã Siêu tố cáo Bành Dạng mưu phản, khiến Dạng bị Lưu Bị xử tử.[38] Theo đó, Bành Dạng là một viên quan bất mãn khi ở dưới trướng của Lưu Bị. Khi được điều chuyển ra ngoài Thành Đô làm việc ở một quận nhỏ thì trong lòng không vui, bèn đến thăm Mã Siêu.

Mã Siêu hỏi Dạng rằng: "Ông tài năng đầy đủ, ưu tú hơn người. Chúa Công đối đãi rất đặc biệt. Địa vị đang cùng với Khổng Minh, Hiếu Trực các người đều chân ngang hàng cùng bước, lẽ nào lại phải ra ngoài nhận một quận nhỏ, làm lỡ làng niềm trông ngóng của mọi người ngày nay vậy?"

Bành Dạng trả lời rằng: "Lão Cách[39] lú lẫn ngang ngược, đáng để lại bàn đến chăng!" và sau đó lại bày tỏ ý định với Mã Siêu rằng:

'Ngài ở ngoài, tôi ở trong, thiên hạ không đủ để an định hay sao.

Mã Siêu vẫn bị theo dõi từ khi về với Lưu Bị, vẫn thường có ý lo sợ, nghe lời Dạng rất kinh hoảng, lặng im không đáp. Dạng đi về, Siêu làm biểu kể rõ lời Dạng. Bị dựa vào đó bắt Dạng giao cho Hữu ti. Bành Dạng ở trong ngục, trước khi hành quyết còn trách Mã Siêu rằng: "Đến như lời nội ngoại[40] chỉ là mong khiến cho Mạnh Khởi lập được công lao nơi các châu phương bắc, chung sức với Chúa Công, cùng đánh Tào Tháo mà thôi, há dám có ý gì khác đâu? Mạnh Khởi giảng giải câu ấy nhưng mà không phân biệt ý nghĩa bên trong, thật làm cho người ta phải đau lòng vậy.[38] Lưu Bị xử tử Bành Dạng.

Tham gia chiến dịch Hán Trung

Tháng 11 năm 217, Lưu Bị sai Trương Phi và Mã Siêu đóng đồn ở Cố Sơn. Tào Tháo nghe tin bèn sai Tào Hồng và Tào Hưu ra đối địch.

Quân Tào tấn công Ngô Lan ở Hạ Bị. Trương Phi phao tin quân Thục muốn vây bọc đánh chặn đường về của quân Tào. Tào Hưu khuyên Tào Hồng cứ tập trung đánh Ngô Lan, Hồng nghe theo. Ngô Lan bị Tào Hồng đánh bại, phó tướng Lôi Đồng và Nhâm Quỳ tử trận. Trương Phi muốn mang quân tới chi viện, nhưng quân Tào Hồng đóng tại Vũ Đô rất đông khiến quân Thục không tiến lên được. Ngô Lan bỏ trốn vào chỗ bộ lạc người Chi và bị họ giết chết.

Tháng 3 năm 218, Trương Phi và Mã Siêu thiệt hại nặng, buộc phải rút khỏi chiến dịch. Mã Siêu chẳng lập được công trạng gì.

Ủng hộ Lưu Bị xưng Vương, được tấn phong

Lưu Bị xưng vương với sự ủng hộ của Mã Siêu

Tháng 7 năm 219 Công nguyên, một trăm hai mươi viên văn võ dưới tay của Lưu Bị đã liên danh dâng một tờ sớ cho Hán Hiến Đế, tôn Lưu Bị làm Hán Trung Vương. Gia Cát Lượng sau khi thẩm định đã để cho Bình Tây tướng quân Mã Siêu đứng đầu danh sách. Kế đó là các cựu thần của Lưu Chương, rồi mới đến Gia Cát Lượng và Quan Vũ, Trương Phi … Thái độ coi trọng đó đã làm cho số người của Mã Siêu hướng về Lưu Bị nhiều hơn và chứng tỏ tập đoàn Lưu Bị luôn có tinh thần đoàn kết cao độ.[41]

Tam Quốc Chí chép đầy đủ thứ tự danh sách của những người này: Mùa thu, quần thần tôn Tiên Chủ lên làm Hán Trung Vương, dâng biểu lên Hán Hiến Đế rằng: "Bọn thần là Bình Tây tướng quân Đô Đình hầu Mã Siêu, Tả tướng quân Trưởng sử Trấn quân tướng quân Hứa Tĩnh, Doanh tư mã Bàng Hi, Nghị tào Tòng sự Trung lang quân nghị Trung lang tướng Xạ Viên, Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Đãng Khấu tướng quân Hán Thọ Đình hầu Quan Vũ, Chinh Lỗ tướng quân Tân Đình hầu Trương Phi, Chinh Tây tướng quân Hoàng Trung, Trấn Viễn tướng quân Lại Cung, Dương Vũ tướng quân Pháp Chính, Hưng Nghiệp tướng quân Lý Nghiêm tất cả một trăm hai mươi người….[30]

Năm 219, sau khi Lưu Bị xưng Hán Trung vương, tổ chức bình công khen thưởng phong cho năm vị Ngũ hổ tướng trong đó Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung. Bốn tướng quân tiền, hậu, tả hữu đời Hán là quân chức chính quy địa vị nổi bật. Bấy giờ Lưu Bị cùng một lúc bổ nhiệm Quan Vũ làm Tiền tướng quân, Trương Phi làm Hữu tướng quân, Mã Siêu làm Tả tướng quân, Hoàng Trung làm Hậu tướng quân.[6][33] Như vậy nước Thục đã có 5 vị đại tướng nổi tiếng: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân, Hoàng Trung.

Tam Quốc Chí chép: "Tiên chủ xưng Hán Trung vương, phong Siêu làm Tả tướng quân, ban cho Giả tiết".[2]

Về việc tấn phong lần này Gia Cát Lượng có ý kiến qua lại về việc bổ nhiệm Hoàng Trung vì danh tiếng và uy vọng của Hoàng Trung từ trước đến nay không thể so sánh ngang với Quan Vũ, Mã Siêu. Mã Siêu, Trương Phi ở Thành đô đều đích thị nhìn thấy công lao của Hoàng Trung nên không ai trong số họ phản đối. Riêng Quan Vũ thì Lưu Bị một lần nữa phải cử người giải thích.[33]

Tam Quốc chí chép: Tiên chủ làm Hán Trung Vương, muốn dùng Trung làm hậu tướng quân. Gia Cát Lượng thuyết Tiên chủ rằng: "Danh tiếng của Trung, không thể so với Quan, Mã[42] mà nay lại được liệt ngang hàng. Mã, Trương[43] ở gần, đã chứng kiến công lao của Trung, còn có thể khuyên bảo được; Quan chỉ nghe từ xa, sợ tất chẳng bằng lòng, e rằng không thể khuyên bảo được". Tiên chủ nói: "Ta tự có cách phân giải".[44]

Năm 221 Công nguyên, Lưu Bị sau khi xưng đế đã phong cho Mã Siêu làm Phiêu kỵ tướng quân, phong thêm tước Uy Hương hầu (hay Sì Hương hầu), phụ trách chức Lương Châu mục để bảo vệ vành đai phía Tây của nhà Thục đối diện với khu vực của các dân tộc du mục Tây Bắc Trung Quốc.

Tam Quốc chí chép: Năm Chương Vũ nguyên niên thứ nhất, đổi thăng làm Phiêu kỵ tướng quân, lĩnh chức Lương châu mục, lại phong thêm tước Uy Hương hầu.

Lưu Bị đã xuống chiếu ca ngợi công lao của Mã Siêu, nhấn mạnh trọng trách nặng nề của ông. Chiếu viết rằng:[2] "Tướng quân tín nghĩa lan toả đất Bắc, uy vũ sáng rõ tận Tinh châu, nay ủy thác công việc cho tướng quân, gánh vác trách nhiệm lớn lao, đốc trách kiêm quản trong vạn dặm, biết đến nỗi thống khổ của muôn dân. Tuyên dương đức sáng của triều đình, chăm sóc bá tánh gần xa, việc thưởng phạt phải thận trọng, dốc lòng vì Hán mà tạo phúc, không phụ lòng kỳ vọng của thiên hạ".

Gửi gắm Mã Đại, qua đời và được truy tặng

Năm 222, Mã Siêu bệnh mất, hưởng thọ 46 tuổi.[45] Trước khi chết, ông đã để lại bức tâm thư cho Lưu Bị nói rằng cả nhà ông bị Tào Tháo giết gần hết nên gửi gắm cho Lưu Bị chăm sóc cho em mình là Mã Đại là người cuối cùng của nhà họ Mã.

Triều đình nhà Thục Hán đã đáp ứng các yêu cầu của ông, Mã Đại được trọng dụng và bổ nhiệm đến chức Bình Bắc tướng quân, lĩnh tước Trần Thương Hầu, con trai là Mã Thừa được nối dõi chức tước, cơ nghiệp, con gái của ông được bố trí hôn nhân với An Bình Vương Lý.

Tam Quốc Chí chép: Năm Chương Vũ nguyên niên thứ hai. Hai năm sau Siêu chết, khi ấy mới có bốn mươi tuổi. Lúc chết, dâng sớ rằng:[2] "Trong cửa nhà thần có hai trăm nhân khẩu, đã bị Mạnh Đức[46] giết sạch, chỉ còn người em là Đại, gánh vác việc nối dòng huyết thống ăn lộc nối đời, xin ký thác nơi Bệ hạ, dẫu nói cũng chẳng thể hết lời."

Mã Siêu được triều đình truy tặng thụy hiệu là Uy hầu.[47] hàng năm, các Hoàng Đế nhà Thục (Lưu Bị và Lưu Thiện) đều tổ chức truy thụy cho ông cũng như các Hổ tướng khác.

Tam Quốc Chí có chép: Tháng chín mùa thu năm (Cảnh Diệu) thứ ba, truy thụy cố tướng quân Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Bàng Thống, Hoàng Trung.[48] đồng thời sai Dương Hí viết bài tán ca ngợi công lao của các tướng.[49]